Nghề làm miến dong của người Sán Chỉ ở Bình Liêu

Trước đây chưa có điện lưới và máy móc, việc chế biến miến dong được người dân làm hoàn toàn thủ công bằng tay và các loại dụng cụ tự tạo. Quá trình gồm các công đoạn khá phức tạp và mất nhiều thời gian, công sức nên đòi hỏi nhiều lao động (thường là cả gia đình tham gia). Đặc biệt, muốn làm được sợi miến ngon có độ trắng, độ dai thích hợp thì người làm phải rất tinh ý chủ yếu dựa vào kinh nghiệm được tích lũy từ lâu.

cu dong rieng 346567 - Nghề làm miến dong của người Sán Chỉ ở Bình Liêu

Người Sán Chỉ thu hoạch củ dong riềng để làm miến dong

Lựa chọn và rửa củ dong: Củ dong chọn được để làm miến thường là những củ già có nhiều bột, không bị sâu thối. Sau đó, người ta sẽ cho củ dong vào những cái rá tre cạp hở một đầu không lớn để rửa ở sông suối nhiều nước gần nhà. Rửa đi rửa lạ đến khi nào thấy củ dong sạch đất và bong hết vẩy lá là được. Việc này rất quan trọng để khi xát bột không bị bẩn và có sạn nên củ dong phải được chắc chắn đã loại bỏ hết đất bám trên mình. Bởi để miến có sạn và bị đen là điều tối kỵ trong sản xuất miến dong.

Nghiền bột dong: Sau khi rửa sạch, củ dong được đem xát thành bột. Ngày xưa chưa có máy móc nhưng người Sán Chỉ đã tư chế tạo ra một dụng cụ để nghiền củ. Người ta đóng một cái hộp hình chữ nhật dài để ngỏ một đầu có chốt hãm. Bên trong gắn một trục gỗ tròn nối liền hai đầu hộp, giữa trục gắn thêm các lá thép để cắt củ. Bên ngoài hộp lắp hai vòng bi và hai cánh quạt bọc đầu trục gỗ. Người ta nối thêm một bánh đà đạp chân tạo lực đẩy hai cánh quạt quay làm trục gỗ chuyển động, các lá thép hoạt động và củ dong được cắt nhỏ dần. Công đoạn này khá lâu và thường là do người đàn ông trong gia đình đảm nhiện. Cho đến khi củ dong bị nghiền nát thì người ta chắt lấy phần tinh bột và bỏ phần bã nuôi lợn. Sau đó, phần tinh bột được đổ vào một cái chum để khoảng 02 tiếng cho bột lắng xuống đáy chum thì gạn nước đi. Lúc này thì kết thúc việc nghiền bột.

Lọc bột dong: Quá trình lọc bột dong đóng vai trò quan trọng quyết định độ trắng, độ bóng của miến. Đặc biệt, phải lọc thật kỹ thì mới có thể loại bỏ được sạn lẫn trong bột dong. Miến dong ngon không thể có sạn. Để lọc bột, trước hết người ta cho bột vào những cái chum sành to rồi đổ nước vào, lấy cây gỗ tròn dài đánh đều cho bột hoà tan vào nước. Đợi cho bột lắng xuống đáy chum, nước trong thì đổ nước đi và bóc lấy phần bột, vò mịn. Phải bỏ khoảng 02cm bột đáy vì nó có chứa rất nhiều sạn. Trung bình mỗi ngày lọc từ 02 – 03 lần như vậy và việc lọc bột được tiến hành trong 05 – 07 ngày mới kết thúc. Bột sạch phải có màu trắng, mịn, không lẫn sạn thì đạt yêu cầu.

mien dong sach 34809 - Nghề làm miến dong của người Sán Chỉ ở Bình Liêu

Bột củ dong để tráng miến

Tráng miến: Công đoạn này cần chuẩn bị sẵn một chiếc nồi hoặc chảo sâu lòng khá lớn có đường kính 50 – 60 cm và rất nhiều củi khô đã được đi lấy trên rừng hàng tháng trước để tráng miến. Khi tráng miến thì đổ nước vào nồi sao cho nước chiếm 2/3 nồi. Trên miệng nồi đặt một tấm phên đan dày rộng hơn miệng nồi khoảng 02cm. Người ta dải thêm một tấm vải màn phủ kín tấm phên. Trước đó, phải hoà bột với nước đựng trong chum: cứ 01kg bột khô hoà được 20 – 25kg bột ướt. Bắt đầu việc tráng miến thì đun nước thật sôi. Khi hơi nước bốc lên, người ta dùng gáo múc bột đổ lên dàn mỏng trên tấm màn rồi đậy nắp lên. Sau khoảng 02phút, bột chín đều thì lấy một cái que dài khéo léo cuộn bánh trải nhẹ ra phên rồi mang phơi. Kích thước mỗi phên là 2,5m – 0,9m chứa khoảng 03 bánh. Ở công đoạn tráng miến cần phải đảm bảo bánh được chín kỹ thì miến mới có độ dai, không bị nát khi chế biến. Đây cũng là một trong những tiêu chí để nhận định là miến ngon.

Phơi miến: Người dân làm những dàn phơi miến ở những nơi đón được nhiều nắng. Trong quá trình phơi phải năng dở cho miến mau khô. Dàn phơi được dựng bằng 10 – 15 cây tre dài 07m – 08m gác lên các chân trụ. Theo kinh nghiệm của người dân, khi bánh khô vừa tới (bánh còn ẩm) thì xếp bánh chồng lên nhau cho vào túi ủ qua một đêm rồi mang ra cắt. Không có máy cắt miến, người dân thường thái thành những sợi nhỏ 0,3cm bằng dao được mài sắc. Cắt xong, người ta sẽ cuộn hai đầu bánh vào trong và đem trải ra phên phơi cho khô. Trung bình, mỗi phên chứa khoảng 05 cuộn miến. Cho đến khi miến khô song vẫn có độ dai và không bị đứt.

mien dong huc dong binh lieu 346643 - Nghề làm miến dong của người Sán Chỉ ở Bình Liêu

Phơi bánh miến dưới ánh nắng mặt trời

Bảo quản và tiêu thụ: Miến khô được buộc túm vào bằng sợi miến cất ở nơi cao, thoáng gió. Mỗi một túm miến khoảng 01kg. Chế biến bằng thủ công như vậy nên năng suất không cao dù chất lượng miến được đảm bảo. Mỗi ngày, người Sán Chỉ ở Húc Động chế biến ra 30 – 40kg, cả vụ làm được hơn 100kg miến khô.

Những năm gần đây, nhận thấy cây dong riềng có giá trị kinh tế rất lớn, người Sán Chỉ ở xã Húc Động, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đã từng bước thay đổi cách nhìn nhận và tập quán canh tác loại cây này. Tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được người Sán Chỉ áp dụng trong quy trình trồng và chế biến miến dong ở nhiều khâu sản xuất. Cây dong riềng trở thành cây trồng thế mạnh của người Sán Chỉ và miến dong trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị rất cao trên thị trường.

Tuy vậy, bên cạnh miến dong sản xuất bằng máy móc công nghiệp và sản xuất quy mô lớn, bạn cũng có thể lựa chọn miến dong được người Sán Chỉ chế biến bằng phương pháp thủ công truyền thống tại đây.

Miendongbinhlieu.vn

Comments